Latest Post

Dani Olmo đắt hàng MU tăng cường đội ngũ tuyển trạch

Thất bại với tỷ số 1-2 trước Thái Lan trong một trận giao hữu không phải điều quá ghê gớm. Tuyển Việt Nam đã nhận được bài học mà không phải trả giá nhiều.

Bị trừ điểm trên bảng xếp hạng FIFA chưa phải chuyện lớn. Bởi lẽ, thầy trò HLV Kim Sang-sik vẫn vững vàng ở nhóm hạt giống số một trước khi bốc thăm bảng đấu vòng loại Asian Cup 2027. Trừ khi có biến động lớn, tuyển Việt Nam mới bị giáng hạng.

Đội tuyển quốc gia là bộ mặt của nền bóng đá. Hãy phân tích đôi chút về chuyển động của Thái Lan. HLV Masatada Ishii không triệu tập Chanathip, Bunmathan và một số tên tuổi khác để nhường chỗ cho cầu thủ trẻ. Với lực lượng lạ lẫm, Thái Lan đã thắng thuyết phục. Đây mới là điều đáng nói.

tuyen viet nam anh 1

Hoàng Đức không có nổi một pha đột biến nào trước tuyển Thái hôm 10/9. Ảnh: Minh Chiến.

Bài học từ Thái Lan

Dù chơi với hai đấu pháp khác nhau trong hiệp 1 (kiểm soát bóng và tấn công) và hiệp 2 (phòng ngự phản công), nhưng Thái Lan vẫn chơi nhịp nhàng và bài bản. Mọi thứ quy củ từ khâu triển khai, đan lát để phá vỡ áp lực của đối thủ, rồi đâm vào các khoảng trống nhờ chạy chỗ, chuyền bóng sắc lẹm. Ngay cả khi Thái Lan dùng đội B, thậm chí đội hình C (khi thay dự bị vào sân), nhịp chơi của các học trò Ishii không đổi.

Trái với sự ổn định nhờ lực lượng đồng đều và có chiều sâu của tuyển Thái, tuyển Việt Nam với lực lượng kinh nghiệm, đã bước qua nhiều giải đấu lớn lại bối rối và rời rạc.

Khác biệt giữa hai đội (nói rộng hơn là hai nền bóng đá) nằm ở chỗ: Thái Lan đã định hình phong cách chơi bóng tổng thể từ cấp độ CLB đến đội tuyển suốt nhiều năm. Lối đá bật nhả, kiểm soát bóng nhuần nhuyễn được người Thái rèn thuần thục ở nhiều cấp độ.

Cầu thủ Thái được rèn khả năng kiểm soát bóng từ khi còn trẻ, các đội mạnh của Thái đều quen thi đấu với cường độ cao. Điều này giải thích được vì sao những cầu thủ giỏi nhất của Thái khi sang Nhật Bản đa phần bắt nhịp tốt, không bị ngợp.

Triết lý bóng đá của Thái Lan như dòng chảy xuyên suốt, giúp “Voi chiến” có sự kế thừa mạch lạc. Khi ngồi vào ghế huấn luyện, ông Ishii, hay trước đó là Alexandre Polking chỉ thuần túy tiếp nối nền tảng vốn đã rất chắc chắn về tư duy chơi bóng hằn sâu trong nếp nghĩ cầu thủ. Bởi vậy, Thái Lan vực dậy rất nhanh sau thất bại.

Còn bóng đá Việt Nam thì sao? Nền móng HLV Park Hang-seo để lại phụ thuộc vào đẳng cấp của thế hệ vàng từng cùng nhau giành nhiều vinh quang. Đến khi thế hệ ấy đã tới đạt giới hạn trình độ và cạn kiệt động lực, điều thể hiện rất rõ trong 1 năm qua, chúng ta mới nhận ra: đội tuyển Việt Nam không có nền tảng.

Các HLV ngoại với các kiểu cá tính và triết lý khác nhau, khi đến dẫn tuyển Việt Nam đều thay đổi nền móng người cũ. Cái mới chưa kịp định hình đã bị phá bỏ. Người cũ thất bại thì lại có người mới được mời về để sửa sai. Vòng lặp luẩn quẩn ấy vẫn đang bủa vây tuyển Việt Nam.

Ở cấp CLB, quá nửa số đội ở V.League đá kiểu “khoán Tây” trong lối chiến thuật nghèo nàn, cũ kỹ. Hà Nội là đội hiếm hoi có lối đá mang bản sắc riêng, duy trì được lối chơi khoa học và đẹp mắt qua nhiều thế hệ HLV đến cầu thủ. Nhưng chỉ đội bóng thủ đô là không đủ.

Chính bởi thế, khi cảm hứng của lứa trụ cột qua đi, đội tuyển Việt Nam bước vào vùng xám. Chúng ta vừa mong mỏi cái mới, vừa lưu luyến cái cũ. Bóng đá Việt Nam không đủ kiên trì để “đổ móng”, mà đã vội mơ cửa rộng nhà cao.

tuyen viet nam anh 2

Ngay cả khi Troussier đã rời đi, cách làm của ông với tuyển Việt Nam vẫn chưa hết tranh cãi. Ảnh: Bảo Ngọc.

Thiếu kiên định

Khi tuyển Việt Nam thua Thái Lan ở trận giao hữu, Indonesia cầm hòa liên tiếp hai ông lớn châu Á là Saudi Arabia và Australia tại vòng loại ba World Cup. Tuyển Việt Nam lúc ở đỉnh phong độ cũng không làm được điều này.

Đội hình HLV Shin Tae-yong tung ra sân có tới 9 cầu thủ gốc nước ngoài, đều đã hoặc đang đá ở châu Âu với thể hình và trình độ chẳng kém những ngôi sao hàng đầu châu Á.

Nếu ai đó nói rằng, Indonesia tiến bộ nhờ cầu thủ nhập tịch, suy nghĩ ấy có lẽ đã chậm tiến với dòng chảy bóng đá hiện đại.

Thứ nhất, đội quân mà Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đưa về đều là con cháu người Indonesia. Thứ hai, nhập tịch là xu hướng tất yếu của bóng đá thế giới, lan đến cả Đông Nam Á. Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều có cầu thủ gốc ngoại. Đến Lào và Campuchia cũng đã mở cửa với những “ngoại binh” để mơ ra châu lục. Chúng ta có thể không chạy theo, nhưng đừng phủ nhận.

Tại sao cũng nhập tịch như Philippines và Singapore, nhưng Indonesia đang tiến xa hơn đối thủ? Lý do một lần nữa nằm ở chiến lược. PSSI đã có phương hướng rõ ràng và thực hiện thành công. Họ không nhập tịch ồ ạt, mà tiến hành lên danh sách theo dõi và tuyển trạch có hệ thống theo từng giai đoạn.

Đơn cử vào năm 2022, PSSI mang về Klok, Amat, Baggott. Sau đó đến lượt Jenner, Hubner, Struick xuất hiện, rồi lại đến các “Indo kiều” khác. Với nguồn cầu thủ gốc “Tây” dồi dào, HLV Shin chỉ việc chọn lọc và thử nghiệm, để các nhân tố nước ngoài dần hòa nhập và thay thế cầu thủ bản địa.

Cách làm của Indonesia khác Thái Lan, nhưng vẫn giống ở một điểm: bên cạnh xu hướng nhập tịch còn là chiến lược rõ ràng và niềm tin sắt đá vào chiến lược ấy. Indonesia không bỏ cuộc dù “ngã ngựa” suốt 3 năm đầu cùng HLV Shin, có lúc suýt “đường ai nấy đi”. Thái Lan cũng không lung lay dù giai đoạn 2017 – 2020 rất đáng quên. Phải đi thì mới có đường. Trong khi đối thủ đã tìm được lối, tuyển Việt Nam vẫn đang loay hoay trong bùn lầy.

Xây dựng triết lý đồng bộ như Thái Lan, hay tận dụng nguồn cung gốc ngoại dồi dào như Indonesia, Philippines là câu hỏi bóng đá Việt Nam phải trả lời. Bóng đá Việt Nam phải chọn lấy một hướng và kiên định với nó, thay vì đứng núi này, trông núi nọ.

HLV Kim Sang-sik chỉ có trong tay lứa cựu binh đã cạn động lực, phía sau là lớp kế cận non kém về trình độ, nhưng lại thừa nguy cơ sa vào cám dỗ. Còn cầu thủ gốc ngoại, ông chẳng có ai ngoài Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm. Bóng đá Việt Nam làm mỗi thứ một chút, nhưng tất cả đều dở dang.

Cứ đi trên dây kiểu đó, ngày đội tuyển Việt Nam tụt hậu không còn xa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *