Latest Post

Tuyển Indonesia trả giá đắt vì thiếu kỷ luật HLV Shin Tae-yong bị chỉ trích

Hai lần gần nhất người hâm mộ phải nhắc đến cái tên Nguyễn Công Phượng, thật kỳ lạ, lại không liên quan gì đến bóng đá.

Một là quyết định chấm dứt hợp đồng của Yokohama FC với tiền đạo sinh năm 1995, vừa được công bố hôm 14/9. Hai là sự kiện cách đây 3 tháng, khi Công Phượng ra mắt một nhãn hiệu. Anh được đội bóng Nhật Bản giới thiệu trên trang chủ, trong bộ đồ ở quầy pha chế cà phê.

Công Phượng gắn bó với Yokohama FC gần 2 năm, nhưng hành trình của anh đã được cô đọng ở hai khoảnh khắc ngắn ngủi này.

cong phuong anh 1

Công Phượng làm hình ảnh ở Yokohama.

Hành trình ngắn ngủi

Chân sút sinh năm 1995 bị lãng quên với chỉ 5 lần được đăng ký thi đấu (nhưng phải ngồi dự bị cả trận) ở J1 League và J2 League, vào sân 3 trận tại J.League Cup, với tổng số phút còn chưa đầy 1 trận.

Ngày Phượng rời Nhật Bản, nhiều người có thể giật mình tiếc rằng anh là gương mặt cuối cùng của bóng đá Việt Nam hiện diện ở môi trường nước ngoài. Tuy nhiên, như HLV Philippe Troussier đánh giá, sẽ rất khiên cưỡng khi nói Công Phượng thực sự xuất ngoại. Bởi anh gần như vô hình ở Yokohama FC, và cũng lạc khỏi dòng chảy đội tuyển Việt Nam khi suốt 1 năm rồi không còn được triệu tập.

Công Phượng có đáng trách không, khi thất bại ở Yokohama FC? Chắc chắn là không. Trong những thành viên đội tuyển Việt Nam xuất ngoại từ năm 2016 đến nay, chỉ một cầu thủ trụ lại một đội bóng quá 1 mùa giải và tìm được suất đá chính. Đó là trường hợp của Đặng Văn Lâm ở Muangthong United.

Cho đến nay, lứa thế hệ vàng của đội tuyển Việt Nam đã thử sức ở cả Hàn Quốc, Nhật Bản lẫn châu Âu (Hà Lan, Pháp). Đây là thế hệ tài năng nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh, vậy mà vẫn không ai thành công ở xứ người.

Công Phượng chỉ đơn thuần rời bỏ vùng đất nhiều thế hệ đã đến và đi, mà “dấu chân” duy nhất có lẽ chỉ là quả phạt đền thành bàn của Công Vinh vào lưới Vissel Kobe (khi anh khoác áo Consadole Sapporo).

Khi cựu tiền đạo HAGL “trắng tay” rời Mito Hollyhock năm 2017, lý do là còn trẻ. Ngày anh rời Incheon United rồi Sint-Truident năm 2019, cách giải thích là chọn sai bến đỗ. Nhưng ở tuổi 29, khi lần thứ tư cũng khép lại nhạt nhòa, ai cũng hiểu rằng môi trường vẫn cứ khắc nghiệt, mà Công Phượng cũng chẳng còn là chính anh, tung hoành ở các giải trẻ như 6, 7 năm trước.

cong phuong anh 2

Mục đích trở về của Công Phượng là dấu hỏi.

Nhưng muộn còn hơn không

Công Phượng được cho là về nước vì nhận được lời đề nghị khủng từ một đội hạng Nhất, với con số đồn đoán không dưới 5 tỷ đồng/mùa. Đây chưa chắc là bước lùi sự nghiệp với Công Phượng. Bởi nên nhớ, 100% số tuyển thủ Việt Nam đều đang đá ở V.League hoặc hạng Nhất.

Trình độ Công Phượng không hơn nhiều đồng đội. Nếu hồi hương, chân sút quê Nghệ An chỉ đang trở lại đúng nơi anh thuộc về.

2 trong 3 mùa gần nhất đá ở V.League, Công Phượng đều chơi tốt. Anh ghi 6 bàn ở lượt đi V.League 2020 trong màu áo CLB TP.HCM, khi được HLV Chung Hae-seong xếp đá tiền đạo lệch cánh. Đến mùa 2021, Phượng về HAGL, ghi một lèo 6 bàn sau 11 trận, đưa đội bóng phố núi lên đầu bảng.

Cả hai mùa giải này, Phượng đều không hoàn thành trọn vẹn bởi chấn thương (2020) và lý do bất khả năng (dịch bệnh năm 2021). Cựu tiền đạo HAGL chỉ lạc lối ở nước ngoài. Còn tại Việt Nam, dù là V.League hay hạng Nhất, trình độ Công Phượng vẫn phù hợp. Vấn đề là khát vọng của cầu thủ này.

Khi Phượng chọn xuất ngoại lần thứ tư ở tuổi 28 (cái ngưỡng tuổi các cầu thủ phải được thi đấu, không còn học hỏi hay cọ xát nữa), sau 3 lần thất bại, có người đã hoài nghi: dường như anh biết mình sẽ làm bạn với ghế dự bị, nhưng vẫn chấp nhận đến Yokohama FC.

Phượng sang Nhật có phải để đá bóng không, chỉ anh biết. Lý do là gì, cái giá ra sao, chỉ Phượng hiểu. Trở lại Việt Nam, Công Phượng có còn thực sự muốn chơi bóng, hay gặt hái điều gì khác ngoài chuyên môn trong những năm tháng cuối sự nghiệp?

Nếu khát khao của Công Phượng vẹn nguyên như thuở còn là đứa trẻ chạy chân trần trên mặt sân mấp mô, anh vẫn là cầu thủ đáng xem. Phượng có phẩm chất ngôi sao, là mẫu cầu thủ thu hút mọi ánh nhìn mỗi khi chạm bóng, mà bóng đá Việt Nam hiếm khi sản sinh.

Khoan bàn đến mức giá một đội bóng (hay đúng hơn là một doanh nghiệp) đặt ra là đắt hay rẻ. Đó thuần túy là quy luật “thuận mua vừa bán”. Nếu doanh nghiệp hài lòng với giá trị thu lại sau khi bỏ ra từng ấy khoản tiền, đừng nói hàng tỷ đồng chi tiêu cho Công Phượng là đắt.

Chẳng logic nào đủ hợp lý để luận giải về giá trị Công Phượng, ở nền bóng đá vốn dĩ chuyển nhượng chẳng theo bất cứ quy luật nào. Chỉ đơn giản là bên bỏ tiền hài lòng với những gì mình nhận lại là được.

Công Phượng đã vơi cạn khát vọng, thật đáng tiếc cho một tài năng đáng ra đã có thể phát triển nhiều hơn thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *