Ruben Amorim sắp trở thành HLV trưởng MU. |
Amorim khởi đầu nghiệp huấn luyện vào mùa hè năm 2018 tại Casa Pia, câu lạc bộ khi đó đang chơi ở giải hạng 3 Bồ Đào Nha. Sau khi để thua 2 trận đầu tiên trong đời HLV chuyên nghiệp, những nghi ngờ về năng lực của vị chiến lược gia trẻ bắt đầu xuất hiện quanh đội bóng.
Lòng tự trọng bị tổn thương, Amorim tuyên bố sẽ từ chức nếu để thua trận thứ 3. Trong trận đấu mang tính quyết định kể trên, Amorim thay đổi hệ thống và lần đầu tiên chơi với sơ đồ ba trung vệ. Mọi thứ hoạt động tốt, Casa Pia giành chiến thắng và cho đến lúc rời đi vào 7 tháng sau, Ruben Amorim bất bại tại Casa Pia.
Kể từ thời điểm đó, Amorim luôn trung thành với sơ đồ 3 trung vệ tại đội trẻ Braga và sau này là đội một Braga hay Sporting CP, những CLB đưa danh tiếng của HLV sinh năm 1985 vươn xa.
Vấn đề
Điểm nổi bật trong triết lý huấn luyện của Amorim nằm ở tốc độ trong việc thay đổi giữa tấn công và phòng ngự, cho phép họ kiểm soát tình hình tại những giai đoạn khác nhau của trận đấu. Tuy nhiên, dù biến hóa các hình thái chiến thuật như thế nào, HLV này vẫn trung thành với hệ thống 3 trung vệ (thường là 3-4-3 và các biến thể của nó).
Dưới sự dẫn dắt của Amorim, Sporting phát triển một hệ thống 3-4-3 cực kỳ linh hoạt, có thể dễ dàng chuyển đổi thành 3-2-5 trong những pha tấn công và 5-4-1 khi phòng ngự. Tính đến thời điểm hiện tại, Amorim dẫn dắt Sporting CP qua 228 trận đấu, thắng 162 trận, đạt tỷ lệ lên đến 70,98%. Đội bóng Bồ Đào Nha cũng ghi rất nhiều bàn thắng, đạt tỷ lệ trung bình 2,93 bàn/trận, cho thấy tiềm năng tấn công đáng nể của hệ thống này.
Tuy nhiên, giải Bồ Đào Nha có sự chênh lệch trình độ rất lớn giữa nhóm các đại gia gồm Sporting, Porto và Benfica. Giống như câu chuyện của Erik ten Hag cùng Ajax tại Hà Lan, Ngoại hạng Anh là một môi trường hoàn toàn khác.
Amorim giúp Sporting CP áp đảo ở giải Bồ Đào Nha những năm qua với hệ thống 3 trung vệ. |
Nhìn vào Premier League mùa 2023/24, tất cả các đội sử dụng hệ thống ba trung vệ gồm Wolves, Brentford, Luton và Sheffield United đều vật lộn ở nửa dưới bảng xếp hạng. Wolves kết thúc mùa giải ở vị trí 14, trong khi Brentford xếp 16. Luton và Sheffield đứng lần lượt 18 và 20, đồng thời rớt hạng.
Mùa này, Brentford và Wolves thậm chí nhiều lần bỏ sơ đồ 3 trung vệ để chuyển sang hệ thống 4 người ở hàng thủ. Đây rõ ràng là hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi áp dụng chiến thuật ba trung vệ tại giải đấu khốc liệt nhất hành tinh.
Tình hình ở Manchester United
Hiển nhiên, MU có chất lượng đội hình tốt hơn Wolves, Brentford, Luton hay Sheffield. Lịch sử Premier League cũng cho thấy sơ đồ ba trung vệ không phải không thể thành công. Antonio Conte từng đưa Chelsea đến chức vô địch năm 2017 với hệ thống này.
Tuy nhiên, điều kiện thành công của Conte – bao gồm một đội hình chất lượng, thời gian thích nghi và sự ủng hộ từ ban lãnh đạo – cũng chính là những thách thức mà Amorim sẽ phải đối mặt tại Old Trafford.
Đội hình tiềm năng của MU nếu Amorim đến làm việc. |
Đội hình Manchester United hiện tại cần thay đổi nhiều nếu muốn áp dụng thành công sơ đồ của Amorim. Bộ ba trung vệ tiềm năng gồm Lisandro Martinez, Matthijs de Ligt và Leny Yoro dù có kỹ thuật tốt, nhưng không thường đá ba trung vệ trong sự nghiệp. Đặc biệt là De Ligt. Trung vệ người Hà Lan thường chơi rất kém khi phải xoay sang đá ở hàng thủ ba người.
Ở tuyến giữa, mọi thứ với MU dễ thở hơn, khi Ugarte từng thành công dưới thời Amorim tại Sporting, trong khi Mainoo cũng đủ sự năng động để thích nghi. Dẫu vậy, hệ thống ba trung vệ luôn đòi hỏi các cầu thủ chạy cánh (wing-back) phải cực kỳ xuất sắc.
Luke Shaw có đẳng cấp nhưng chưa bao giờ khỏe mạnh để thi đấu dài hạn, trong khi Dalot chỉ là mẫu hậu vệ hạng khá. Khả năng chơi wing-back của Noussair Mazraoui cũng cần kiểm chứng.
Việc áp dụng sơ đồ ba trung vệ tại Manchester United là một canh bạc táo bạo của Amorim. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư đúng đắn và đặc biệt là sự kiên nhẫn từ ban lãnh đạo “Quỷ đỏ”.