Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, để lại cho người hâm mộ những giả thiết và tiếc nuối khôn nguôi.
Giá như Mourinho tới Manchester United sớm hơn
Sự kiện Sir Alex Ferguson tuyên bố giải nghệ năm 2013 tạo nên cơn địa chấn thực sự, không chỉ với “Quỷ đỏ” mà còn với cả làng túc cầu thế giới. “Nhà hát của những giấc mơ” bỗng chốc chìm trong biển kỳ vọng lẫn âu lo, khi khoảng trống quyền lực khổng lồ mà Sir Alex để lại dường như không thể lấp đầy.
Giữa tâm bão của những đồn đoán, Jose Mourinho với cá tính mạnh mẽ và bảng thành tích lẫy lừng nổi lên như một ứng cử viên sáng giá. Thế nhưng, ban lãnh đạo Man United lại quyết định trao niềm tin cho David Moyes, một lựa chọn an toàn nhưng thiếu sức nặng, để rồi sau này hứng chịu vô vàn chỉ trích.
Quyết định bổ nhiệm Moyes, nhìn lại, giống như một nốt trầm trong bản hùng ca của Man United. Nó mở ra một giai đoạn bất ổn và đánh mất vị thế, khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối về một “kỷ nguyên Mourinho” dang dở, một kịch bản mà biết đâu đã có thể viết nên những trang sử hào hùng hơn cho “Quỷ đỏ”.
Mourinho, vào thời điểm đó, đã có sự nghiệp lẫy lừng với thành công ở Chelsea, Inter Milan và Real Madrid. Ban lãnh đạo United thực sự đã tiếp cận ông khi tìm kiếm người kế nhiệm Ferguson, nhưng có nhiều yếu tố phản đối, trong đó bao gồm sự không ủng hộ của Sir Bobby Charlton và thậm chí là Sir Alex.
Nếu Jose Mourinho tới Manchester United sớm hơn, mọi thứ có thể đã khác. |
Mourinho khi ấy cũng đạt thỏa thuận trở lại Chelsea, để lại cảm giác tiếc nuối cho ông khi bỏ lỡ cơ hội dẫn dắt đội bóng thành Manchester. Câu hỏi đặt ra là liệu lựa chọn “Người đặc biệt” vào năm 2013 có thể giúp Manchester United duy trì thành công và sự ổn định sau triều đại Ferguson hay không?
Lựa chọn Moyes vào năm 2013 được xem như quyết định an toàn, nhưng thiếu tính quyết đoán. Trong khi đó, Mourinho, với tính cách mạnh mẽ và bề dày kinh nghiệm, có thể đã là người phù hợp hơn để dẫn dắt đội bóng qua thời kỳ chuyển giao khó khăn.
Những thành công của ông với các đội bóng trước đó không chỉ đến từ chiến thuật thông minh, mà còn từ khả năng quản lý phòng thay đồ, điều mà Moyes tỏ ra thiếu sót.
Dù vậy, Mourinho chưa bao giờ là lựa chọn hoàn hảo cho Manchester United. Phong cách thi đấu thực dụng của ông đi ngược với truyền thống bóng đá tấn công mà “Quỷ đỏ” xây dựng dưới thời Ferguson.
Song, điều này có thể không phải là trở ngại lớn nhất, bởi năm 2013 là giai đoạn tính cách quyết liệt và kinh nghiệm của ông được cho là sẽ phát huy hiệu quả nhất, giúp đội bóng duy trì tinh thần chiến đấu khi không còn người thầy vĩ đại.
Lúc ấy, đội hình Manchester United vẫn còn khá mạnh, với nhiều ngôi sao ở đỉnh cao phong độ như Robin van Persie và Wayne Rooney. Mourinho có thể đã sử dụng họ hiệu quả hơn Moyes và thực hiện các bản hợp đồng phù hợp để tăng cường đội hình thay vì chiêu mộ Marouane Fellaini.
Ví dụ, Cesc Fabregas có thể là một lựa chọn chất lượng mà ông từng đưa về Chelsea sau đó. Với sự bổ sung đúng đắn, Mancheste United có thể đã tranh chấp danh hiệu ngay trong mùa đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Mourinho, đặc biệt khi các đối thủ lớn như Liverpool và Manchester City chưa đạt phong độ tốt nhất.
Bổ nhiệm Mourinho sớm hơn có thể đã tránh được những sai lầm tiếp theo trong quá trình tìm kiếm một người kế nhiệm thích hợp. Những rối loạn trong việc thay đổi HLV, từ Moyes đến Louis van Gaal, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của câu lạc bộ. Mourinho, nếu được bổ nhiệm từ 2013, có thể giúp duy trì sự liên tục và tránh xa khỏi vòng xoáy khủng hoảng.
Chuỗi sa sút là điều không thể tránh khỏi
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản dừng lại ở việc lựa chọn một HLV phù hợp. Vấn đề của Manchester United không chỉ nằm ở băng ghế huấn luyện, mà còn là những hạn chế sâu xa trong cấu trúc và chính sách vận hành câu lạc bộ.
Kể cả khi Mourinho có thể giành được những thành công ban đầu, các vấn đề cốt lõi như chiến lược chuyển nhượng không hiệu quả, sự phụ thuộc vào cầu thủ cũ, và thiếu sự đầu tư đồng bộ vào đội ngũ trẻ vẫn sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực về lâu dài.
Mourinho có thể đảm bảo cho Manchester United những danh hiệu, nhưng sau đó là câu chuyện khác. |
Hơn nữa, Mourinho không phải một người xa lạ với sự xuống dốc nhanh chóng. Mùa cuối cùng của ông tại Real Madrid là thất bại, và sau đó, những khó khăn tại Chelsea cũng báo hiệu dấu hiệu của sự sa sút.
Dù Mourinho có thể đạt được những thành công bước đầu với Manchester United vào năm 2013, sự căng thẳng trong phòng thay đồ và phong cách thi đấu bảo thủ của ông có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn khi đội bóng không còn duy trì phong độ đỉnh cao.
Lịch sử của Mourinho tại Old Trafford trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2018 cho thấy nhiều mâu thuẫn. Dù đã giành được hai danh hiệu, Europa League và Cúp Liên đoàn, cũng như đạt số điểm cao nhất kể từ thời Ferguson, phong cách cứng rắn của ông vẫn khiến nhiều cầu thủ và cổ động viên cảm thấy khó chịu.
Sự kiên định của Mourinho đôi khi trở thành trở ngại lớn, đặc biệt khi những vấn đề trong nội bộ không được giải quyết triệt để.
Hiện tại, Mourinho trải qua một thử thách mới tại Fenerbahce, nơi mà sự bấp bênh trong kết quả và các tin đồn về sự bất mãn trong phòng thay đồ tiếp tục ám ảnh sự nghiệp của ông. Với lối chơi phòng ngự nặng nề, đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất nhiều điểm số đáng tiếc, đặc biệt khi so sánh với mùa giải trước đó họ đạt 99 điểm với lối chơi tấn công. Điều này chỉ càng làm nổi bật những hạn chế của Mourinho khi ông không còn ở đỉnh cao sự nghiệp.
Nếu Mourinho được bổ nhiệm vào năm 2013, có lẽ lịch sử của Manchester United sẽ khác đi đôi chút. Một hoặc hai chức vô địch có thể đã đến, và áp lực lên những người kế nhiệm sẽ được giảm bớt.
Thế nhưng, điều đó có lẽ chỉ giúp kéo dài thêm thời gian trước khi khủng hoảng thực sự bùng nổ. Cốt lõi vấn đề vẫn là việc tái cấu trúc toàn diện, và không một HLV nào, kể cả Mourinho, có thể tự mình giải quyết triệt để mọi thứ.