Các cầu thủ trên sân cần thật sự chơi bóng nhiều hơn, giảm thời gian bóng chết. Ảnh: VPF. |
Không chỉ ở V.League, tại những giải đấu lớn khác, tình trạng các cầu thủ “đi bộ” nhiều hơn chơi bóng cũng không hiếm gặp. Mùa giải 2022/23, Premier League chứng kiến thời gian bóng chết nhiều nhất trong 10 năm trở lại. Trung bình, các cầu thủ chỉ thật sự chơi bóng trong 54 phút 52 giây, tức thời gian bóng chết lên tới hơn 30 phút.
Bù giờ thật nhiều (do VAR hay bất cứ lý do nào khác) rõ ràng không phải phương án tối ưu, bởi dù thế nào, trận đấu cũng phải kết thúc. Cách để đảm bảo chất lượng trận đấu không phải bù giờ, mà là hạn chế thời gian ‘bóng chết’ nhất có thể, để các cầu thủ thật sự chơi bóng.
Những trận đấu chết
“Nhìn từ 4 vòng đấu vừa qua, một vấn đề là các cầu thủ ở V.League câu giờ quá nhiều. Bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu. Chúng tôi sẽ họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, phải triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 diễn ra hôm 18/10.
Ông Trần Anh Tú khẳng định câu giờ làm giảm chất lượng trận đấu đang là vấn nạn tại V.League. Ảnh: Hải Đăng. |
Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay tại V.League. Theo theo tổng kết V.League năm 2014, tức cách đây 10 năm, thời gian bóng sống chỉ là… 51 phút/trận.
Trận đấu “chết” vì các cầu thủ câu giờ đã đành, nhưng từ khi VAR xuất hiện tại V.League, thời lượng bóng lăn trên sân còn bị gián đoạn đáng kể bởi công tác kiểm tra của các trọng tài. Thời gian chờ đợi để kiểm tra VAR thường kéo dài từ 5 đến 10 phút, có thể còn lâu hơn, khiến trận đấu bị dừng liên tục. Hệ quả, không chỉ cầu thủ, ngay cả khán giả cũng cảm thấy mệt mỏi trước những khoảng thời gian dài đằng đẵng không có bóng lăn.
Hãy “cứu sống” những trận đấu
Tuy nhiên, bù giờ chắc chắn không phải cách tối ưu nhất. Quả thật, nếu bù thì không bao giờ đủ, bởi ngay cả trong thời gian bù ấy, trận đấu vẫn có lúc gián đoạn. Không thể bù giờ mãi vì trận đấu vẫn phải kết thúc.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là điều chúng ta nên làm. Thay vì cứ bù giờ thật nhiều vì những phút bóng chết vô nghĩa, 2 hiệp đấu chính thức cần phải có nhiều thời gian các cầu thủ thật sự chơi bóng hơn.
Để giảm bớt tình trạng trận đấu bị kéo dài không cần thiết, các trọng tài có thể áp dụng phương pháp linh hoạt hơn trong việc xử lý những tình huống phạm lỗi nhỏ, giống như cách trọng tài Daniele Orsato đã áp dụng hiệu quả ở nhiều giải đấu lớn. Thay vì cắt còi liên tục cho những va chạm không đáng kể, trọng tài có thể chọn cách cho trận đấu tiếp tục diễn ra nếu lỗi không quá nghiêm trọng hoặc không ảnh hưởng đến nhịp độ của trận đấu. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và giữ cho trận đấu luôn có sự liên tục, tránh việc bóng chết quá lâu.
Trọng tài có quyền bỏ qua những tình huống va chạm không đáng kể để trận đấu được tiếp diễn. Ảnh: VPF. |
Ví dụ, trong các tình huống va chạm nhẹ giữa hai cầu thủ, thay vì dừng trận đấu để kiểm tra, các trọng tài có thể áp dụng nguyên tắc “lợi thế” (advantage), cho phép đội bóng bị phạm lỗi tiếp tục triển khai tấn công nếu họ đang ở vị trí có lợi. Cách xử lý này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, còn tạo thêm cơ hội cho những tình huống bóng sống, giúp trận đấu thêm phần hấp dẫn.
Ban tổ chức giải đấu cũng cần có những quy định cụ thể về thời gian tối đa cho các tình huống như đá phạt góc, ném biên hay thay người. Chẳng hạn, Premier League đã áp dụng quy định mới từ mùa 2023/24: thủ môn chỉ được giữ bóng tối đa 15 giây, cầu thủ phải rời sân trong vòng 30 giây khi được thay ra. Những quy định này đã góp phần đáng kể vào việc tăng thời gian bóng lăn thực tế.
Cuối cùng, công nghệ VAR cần được vận hành hiệu quả hơn để giảm thiểu thời gian xem lại. Việc một tình huống VAR kéo dài tới 6 phút như trận Đà Nẵng – HAGL là điều cần được cải thiện. Các trọng tài VAR cần được đào tạo kỹ lưỡng hơn để đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
Các trọng tài cần được nâng cao nghiệp vụ, tránh tình trạng mất nhiều thời gian kiểm tra VAR gây gián đoạn trận đấu. Ảnh: Anh Thắng. |
V.League vốn dĩ đã mang trong mình không ít lùm xùm, từ những câu chuyện về hình ảnh đạo nhái, lối chơi bạo lực trên sân hay việc một doanh nghiệp tài trợ cho cả giải đấu lẫn nhiều đội bóng khác nhau, gây nghi ngờ về tính công bằng. Tuy nhiên, người hâm mộ gần như vẫn nhắm mắt bỏ qua những mảng tối ấy. Họ chỉ hy vọng được thưởng thức các trận đấu một cách trọn vẹn mà thôi.
Thế nhưng, giờ đây, ngay cả điều tối thiểu ấy cũng đang dần bị đe dọa. Hãy để bóng đá trở về đúng với tinh thần của nó, trả lại cho người hâm mộ những trận cầu đúng nghĩa, nơi các cầu thủ thật sự chơi bóng, chứ không phải phần lớn thời gian bị “chết” bởi những màn câu giờ vô bổ.