Latest Post

4 triệu view chỉ sau 3 giờ – Ronaldo, MrBeast tạo nên cơn sốt toàn cầu Hành lang trái Man Utd gọi tên Fernandez
Park Chung-gun anh 1

Chuyên gia Park Chung-gun ân cần huấn luyện cho các xạ thủ.

Từ ông thầy Hàn Quốc mê món bún chả

Trong giới bắn súng Việt Nam chẳng mấy ai là không biết vị chuyên gia đến từ Hàn Quốc Park Chung-gun. Ông Park thường nói vui: “Tên của tôi có chữ “gun” (súng) nên cả cuộc đời tôi gắn với bắn súng”.

Trước khi đến với bắn súng Việt Nam, ông Park Chung-gun đã âm thầm hỗ trợ cho bắn súng Việt Nam khi đội sang Hàn Quốc tập huấn hoặc các giải giao hữu quốc tế.

Từ năm 2015, ông bắt đầu gắn bó với bắn súng Việt Nam và được mời sang làm chuyên gia cho đội tuyển Bắn súng quốc gia.

Kể từ đó, ông Park đã có nhiều đóng góp cho bắn súng Việt Nam từ việc hoạch định, đề ra chiến thuật để bắn súng Việt Nam có thể tấn công vào đấu trường Olympic và thành tích cao nhất là 1 chiếc HCV, HCB đồng thời phá kỷ lục Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.

Dù đã có học trò đoạt HCV Olympic, khiến cho bản lý lịch trở nên “khủng” và dù đã đứng vào trong nhóm các HLV danh giá của bắn súng thế giới nhưng ông Park luôn giữ được vẻ khiêm tốn, gần gũi, giản dị trong cuộc sống hằng ngày.

Trở về từ sau khi cùng học trò và ban huấn luyện đội tuyển bắn súng đăng quang tại đấu trường Olympic, ông vẫn luôn giữ thái độ bình dị, luôn cúi đầu và cầu thị trong các giao tiếp.

Trong sinh hoạt đời thường, ông Park không khác gì một người Việt Nam. Ngoài sinh hoạt chung với các học trò ở đội tuyển, ông cũng thường dự đám cưới và tham gia vào các sinh hoạt của người Việt Nam. Ông cũng tập nói tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.

Trong những món ăn Việt Nam, ông đặc biệt thích món bún chả và mong muốn, sau này khi trở về quê hương Hàn Quốc sẽ mở được một nhà hàng để giới thiệu về món bún chả của Việt Nam.

“Tôi thấy đây là món ăn thể hiện được sự tinh tế trong ẩm thực của người Việt Nam. Thịt được nướng thơm ngon cùng với đĩa bún trắng, rau sống và nước chấm rất ngon.

Phải rất khéo léo thì mới nướng thịt được ở độ vừa chín tới, để vẫn đảm bảo được độ tươi, ngon của thịt.

Tôi thực sự yêu Việt Nam và muốn gắn bó với đất nước xinh đẹp, thân thiện của các bạn. Tôi muốn được sinh sống và làm việc như một người Việt Nam trên mảnh đất tràn đầy tình người này”, ông Park chia sẻ.

Hiện HLV Park Chung-gun đang tập trung cao độ cho công tác chuyên môn. Ông mong muốn được tiếp tục gắn bó với bắn súng Việt Nam và được sinh sống trên dải đất hình chữ S như một người Việt Nam thực thụ.

Các học trò của ông như nhà vô địch Asian Games 19 Phạm Quang Huy hay xạ thủ đứng thứ tư tại Olympic Paris vừa qua là Trịnh Thu Vinh còn cần ông đồng hành trong một hành trình dài chinh phục các đỉnh cao mới.

Mong cho ông Park thực hiện được ước nguyện của mình và sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho bắn súng Việt Nam.

Đến “ông tiên” ở đội tuyển đua thuyền

Park Chung-gun anh 2

Chuyên gia Joseph Donnelly (giữa) vẫn hằng ngày cùng đua thuyền Việt Nam xây đắp ước mơ.

Trong làng Thể thao Việt Nam, chuyên gia Joseph Donnelly của đội tuyển Đua thuyền Việt Nam cũng là một cái tên đã quá đỗi quen thuộc.

Câu chuyện để vị chuyên gia người Australia này gắn bó với Việt Nam đáng yêu như trong một câu chuyện cổ tích.

Trong một lần đến Việt Nam du lịch cùng vợ vào năm 2010, ông Joseph Donnelly tình cờ đi ngang qua Hồ Tây (Hà Nội).

Thời điểm đó đội tuyển Đua thuyền Việt Nam đang tập luyện tại đây. Vốn là một vận động viên đua thuyền của Australia nên khi xem các VĐV Việt Nam tập luyện, ông nhận thấy ngay những tố chất làm nên điểm mạnh của VĐV Việt Nam, nhất là sự khéo léo và chịu khó rèn luyện.

Ông tự tìm đến đội đua thuyền và đề nghị được giúp đỡ. Khi nghe ông phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các vận động viên và đưa ra các phương pháp huấn luyện hiện đại, các chuyên gia của đua thuyền Việt Nam đã thực sự bị thuyết phục và mời ông giúp đỡ đội tuyển.

Ngay sau đó, “ông tiên” từ trên trời rơi xuống đã lập tức sang Việt Nam và ở lại trong một thời gian dài để giúp sức cho đua thuyền Việt Nam.

Điều đáng nói là ông tự túc kinh phí, tự lo các khoản tiền trang trải trong các chuyến đi và về giữa Việt Nam và Autralia.

Ông cũng nhiều lần đưa đội tuyển Đua thuyền Rowing của Việt Nam sang Australia tập huấn…

Những ngày đầu đến làm việc ở một đất nước xa lạ với hoàn cảnh thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị tập luyện, nhưng khó khăn không làm vị chuyên gia này nản chí.

Ông đã đồng hành để cùng đội tuyển Rowing Việt Nam “chinh chiến” tại nhiều đấu trường lớn trên thế giới.

Đặc biệt ông giúp Rowing Việt Nam 4 lần vượt qua vòng loại Olympic vào năm 2012, 2016, 2020, 2024 và vừa có VĐV lần đầu tiên lọt vào bán kết Olympic.

Ông từng tâm sự: “Tôi rất yêu Việt Nam. Đầu tiên tôi đến Việt Nam chỉ là để du lịch, nhưng qua đội tuyển đua thuyền giúp tôi có điều kiện gắn bó với Việt Nam.

Trong những năm qua, điều tôi cảm nhận được đó chính là nghị lực, cũng như sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của từng thành viên đội tuyển đua thuyền.

Đây là động lực để tôi vượt qua những trở ngại về khoảng cách địa lý, tuổi tác, ngôn ngữ… và thêm gắn bó với Việt Nam.

Tôi tin tưởng đua thuyền Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái những thành công ở những đấu trường quan trọng sắp tới”.

Dù giờ đã bước qua tuổi cổ lai hy, nhưng ông Joseph Donnelly vẫn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đua thuyền Việt Nam.

Ở đội tuyển Rowing quốc gia, vị chuyên gia này như người ông lớn tuổi trong gia đình gần gũi, ân cần hằng ngày cùng các VĐV phơi mình trong nắng, gió để vun đắp cho ước mơ bơi nhanh hơn, tiến gần hơn đến đấu trường quốc tế của Rowing Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *