U20 Việt Nam chỉ có 6 điểm với hiệu số +5, không thể giành vé dự vòng chung kết châu Á lần đầu tiên từ năm 2008. Ảnh: Việt Linh. |
Sau khi U20 Việt Nam hụt vé đến vòng chung kết U20 châu Á, một thống kê được chỉ ra: đây là lần đầu sau 14 năm, bóng đá trẻ cấp độ U20 của Việt Nam mới vắng bóng ở một vòng chung kết châu lục. Chuỗi 7 lần liên tục dự vòng chung kết U20 châu Á đã khép lại.
Thất bại bẽ bàng
Bóng đá trẻ thường có tính chu kỳ. Việt Nam đã phải chờ tới 10 năm từ sau chức vô địch AFF Cup 2008 để chứng kiến một thế hệ nở rộ, mang về vinh quang. Với những nền bóng đá còn non yếu, chu kỳ thời gian cần thiết để sản sinh ra lứa cầu thủ giỏi sẽ dài hơn những nền bóng đá mạnh.
Nói vậy có nghĩa, không thể đòi hỏi bóng đá Việt Nam sản sinh ra lứa trẻ nào cũng hay. Sẽ có lứa tài năng (như thế hệ 1995-1997) của Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, lứa tiếp cận tài năng, vẫn có những gương mặt ưu tú dù không hoàn toàn đồng đều như thế hệ 1998-2000 (Hoàng Đức, Tuấn Hải, Việt Anh, Thanh Bình). Nhưng xen giữa vẫn có những thế hệ kém tiếng hơn, đó là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, hãy nhìn lại chuỗi 14 năm liền dự vòng chung kết U20 châu Á của bóng đá Việt Nam. Tức là dù ở trên đỉnh cao hay chạm đáy tuyệt vọng, việc dự vòng chung kết châu Á là hiển nhiên với U20 Việt Nam. Đó là tiêu chuẩn tối thiểu với bất cứ lứa U20 nào.
Thể thức vòng loại của liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng rất rộng lượng với lứa U20. Mỗi bảng đấu sẽ có 2 đội mạnh và 3 đội yếu (với bảng 5 đội). Đội nhất đi tiếp, còn đội nhì vẫn có 0,5 vé vượt qua (nhờ chọn 5 trong số 10 đội nhì đến vòng chung kết). Nhờ thể thức này, mà U20 Việt Nam có giai đoạn bĩ cực, vẫn lách được cửa hẹp để vượt qua.
U20 Việt Nam không thể thắng đậm trước những đối thủ dưới cơ hoàn toàn để cải thiện hiệu số bàn thắng bại. Ảnh: Việt Linh. |
Bảng A của thầy trò Hứa Hiền Vinh ở vòng loại U20 châu Á có khó không? Chắc chắn là không. U20 Syria là đối thủ vừa sức, còn U20 Bhutan, U20 đảo Guam và U20 Bangladesh dưới cơ hoàn toàn. Cộng với ưu thế sân nhà và các trận đấu từ dễ đến khó tạo nên lịch trình gần như hoàn hảo cho U20 Việt Nam. Nếu Nguyễn Công Phương cùng đồng đội hòa U20 Syria, hoặc có thể thua, nhưng thắng đậm các trận trước như cách U20 Thái Lan và U20 Jordan đã làm, chúng ta đã không cần ở đây để nói về nỗi buồn của bóng đá trẻ Việt Nam.
Biết rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra với bóng đá trẻ. Nhưng cách học trò ông Hứa Hiền Vinh tự tay ném đi mọi lợi thế thực sự nghiệt ngã. Thất bại này đáng trách, thay vì đáng thương.
Nhạt nhòa
Tình huống phản lưới của Ngọc Chiến ở phút 77 là “phát súng” quyết định, khiến U20 Syria gục ngã trước U20 Việt Nam. Nhưng hay quan sát lại tình huống: từ quả phạt góc ở cánh phải, 3 cầu thủ Tây Á đã băng vào chiếm khoảng trống. Bóng sượt người 1 cầu thủ U20 Syria rồi đổi hướng, khiến trung vệ U20 Việt Nam luống cuống đốt lưới.
Ngọc Chiến không hề chuẩn bị cho pha bóng này, song sai lầm của anh chỉ là quân domino cuối cùng đổ xuống, sau một loạt sai lầm phòng ngự của U20 Việt Mam. Mà mẫu số chung của sai lầm ấy, chính là sự bị động.
U20 Việt Nam đã bước vào trận đấu với sự phân vân: nên đá sòng phẳng để tìm kiếm chiến thắng và đoạt vé chính thức, hay đá “cù cưa” để hòa 0-0, rồi chờ đợi nằm trong nhóm nhì tốt nhất. Cách đây 5 năm, U20 Việt Nam của HLV Philippe Troussier không có sự phân vân này. Đội quyết đá chặt chẽ trước U20 Nhật Bản ở trận cuối. Thậm chí khi đối thủ nhận thẻ đỏ, chủ nhà Việt Nam vẫn đá rất cẩn thận. Sạch lưới là trên hết, dắt tay nhau đi tiếp.
Kể cả có muốn hòa U20 Syria, đó vẫn thuần túy là một lựa chọn (và hoàn toàn dễ hiểu) mà U20 Việt Nam có thể theo đến cùng. Đáng tiếc là ở trận quyết đấu, HLV Hứa Hiền Vinh cùng học trò không xác định được tâm thế. Một nửa, U20 Việt Nam muốn giữ hòa, nhưng khi đối thủ cũng đá chắc chắn, chúng ta lại muốn dồn lên.
U20 Việt Nam có màn trình diễn lúng túng trước U20 Syria tối 29/9. Ảnh: Việt Linh. |
Có thời điểm trong hiệp một, U20 Việt Nam đoạt bóng và sáng rõ cơ hội phản công, nhưng 1 cầu thủ quyết định… chuyền về. Song cũng có lúc ở hiệp hai, khi cần giữ cự ly đội hình để giăng bẫy, các cầu thủ lại nhào lên. Bàn thua duy nhất cũng đến từ khoảnh khắc nhào lên ấy. 1 tích tắc dao động tâm lý đã lấy đi của U20 Việt Nam quá nhiều.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi nhìn toàn cục, rất khó định hình dấu ấn U20 Việt Nam làm được ở vòng loại là gì. Các hậu vệ phòng ngự lỏng lẻo với nhiều sai lầm, hàng tiền vệ thiếu sáng tạo, chỉ chuyền bóng “quanh quẩn”, còn hàng công cũng thiếu ý tưởng. U20 Việt Nam có rất ít pha phối hợp bóng sống (thứ cho thấy rõ nét nhất tư duy chiến thuật) thành bàn, bất chấp chỉ gặp U20 Bhutan hay U20 đảo Guam.
Chủ yếu, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh chờ đối thủ mắc sai lầm. Đó cũng là một cách trong bóng đá, nhưng chỉ hiệu quả khi U20 Việt Nam chủ động gây áp lực để đối thủ sai sót. Dù vậy, các sai lầm nghiệp dư đối thủ lộ ra ở trận trước đến từ trình độ yếu kém, hơn là áp lực chúng ta tạo được. Để khi gặp đối thủ chặt chẽ và toan tính đến từng đường bóng như U20 Syria, đường vào cầu môn bị khóa chặt.
Báo động
U20 Việt Nam đã chuẩn bị thế nào, mà dẫn đến tình cảnh lối chơi nghèo nàn và bí bách đến vậy? Đó là câu hỏi mà HLV Hứa Hiền Vinh, trưởng đoàn Phan Thanh Hùng hay trợ lý Lê Minh Dũng phải trả lời khi không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu đây là lứa cầu thủ giỏi và chỉ thuần túy bại trận bởi ban huấn luyện, điều đó sẽ không đáng lo.
Tương lai của HLV Hứa Hiền Vinh đang được đặt dấu hỏi sau khi không thể giành vé tham dự vòng chung kết U20 châu Á 2025. Ảnh: Việt Linh. |
Nhưng sau 4 trận, cũng không gương mặt nào chứng minh được tiềm năng, ngoại trừ chút ánh sáng le lói trên đôi chân Công Phương. Với những nền bóng đá phát triển, U20 (hoặc cùng lắm là U21) là cửa ngõ cuối cùng trước khi cầu thủ bước lên chuyên nghiệp. HLV Troussier khẳng định, các cầu thủ trẻ cần được đá tối thiểu 30-35 trận đấu chất lượng mỗi năm để nâng tầm.
Dù vậy trong tay ông Hứa Hiền Vinh, các thành viên U20 Việt Nam chỉ chơi khoảng 15 đến 20 trận mỗi năm, chủ yếu ở giải trẻ hoặc hạng nhất. Công Phương là ngôi sao số một, nhưng chỉ đá 129 phút ở V.League mùa trước.
Không thể trách đội bóng chủ quản của cầu thủ này. Chỉ tiếc là, sân chơi cho cầu thủ trẻ quá ít ỏi. Sau bao nhiêu năm, hệ thống giải U19, U21 quốc gia chẳng đột phá về số trận. Số CLB chuyên nghiệp ngày càng giảm. Cầu thủ trẻ cứ ăn lương, ra sân đá vài trận mỗi năm rồi đi về. Sự yếu kém ở khả năng ra quyết định hay sức bền tâm lý cũng từ đấy mà ra.
Công Phương, ngôi sao số một của tuyển Việt Nam, không có nhiều cơ hội trong màu áo Thể Công Viettel. Ảnh: Việt Linh. |
Trên cánh đồng ngày một cằn cỗi, bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ khó gieo hạt, mà còn phải kéo lùi tiêu chuẩn. Khi ở Đông Nam Á, đến U20 Campuchia cũng quật ngã U20 Bahrain “ngon lành”, có lẽ việc dự vòng chung kết châu Á không còn là điều hiển nhiên với U20 Việt Nam nữa rồi.