Văn Lâm gặp áp lực khi đối đầu với Nga. Ảnh: Thế Bằng. |
HLV Kim Sang-sik sau trận đấu thừa nhận Văn Lâm đã “gặp áp lực” khi đấu với đội tuyển của quê mẹ. Song sai lầm của thủ thành gốc Nga không phải lần đầu xuất hiện.
Lỗi của Văn Lâm
Trước khi bàn tới bàn thua thứ hai – vốn là lỗi mười mươi của Văn Lâm – hãy nói tới bàn thua đầu tiên. Thủ thành sinh năm 1993 đọc tình huống lỗi khi không đoán biết được tiền vệ Nga sẽ tiếp tục đi bóng sát đường bên và thực hiện cú tạt. Việc đọc sai tình huống kéo theo chuyện Văn Lâm lỡ thời gian di chuyển để kiểm soát được khu vực 5m50, từ đó băng ra chậm nhịp để Kuzyayev băng cắt đánh đầu mở tỷ số.
Bàn thua kiểu này không mới với Văn Lâm. Trong trận thua 0-1 trước Iraq tại Vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, thủ thành này cũng mắc lỗi phán đoán tương tự từ một tình huống đưa bóng vào bên cánh phải. Xuyên suốt sự nghiệp, Lâm luôn là thủ môn phản xạ cực tốt ở các tình huống 1 đấu 1, nhưng các kỹ năng cần thiết khác của người gác đền thì vẫn hạn chế.
Bàn thua thứ hai là sự kết hợp của nhiều tình huống lỗi khác. Lâm sút hụt bóng sau pha trả về cơ bản của Văn Thanh. Dư luận đang tin mặt sân Mỹ Đình góp phần không nhỏ trong bàn thua này khi khiến bóng đột ngột nảy lên. Song thời điểm pha bóng diễn ra là phút 60, Lâm đã có 15 phút kiểm soát vùng cấm khi hiệp 2 bắt đầu, việc nhận thức và dự đoán được các tình huống có thể xảy ra phải là điều một thủ môn cần làm.
Việt Nam chưa sẵn sàng khi gặp đối thủ từng nhiều lần tham dự World Cup như Nga. Ảnh: Việt Linh. |
Những bàn thua không đáng này là ví dụ rất rõ của việc tuyển Việt Nam thiếu sẵn sàng cho trận cầu với đối thủ tầm cỡ như Nga. Sân bãi không được được chuẩn bị đủ để các cầu thủ có điều kiện thi đấu tốt nhất, trong khi từng cá nhân chưa chuẩn bị đủ tâm lý để đương đầu với sức ép từ đối thủ.
Công bằng thì trong 90 phút trước Nga, tuyển Việt Nam đã thể hiện được sự nhất quán nhất định trong cách triển khai lối chơi. Toàn đội có ý thức rất rõ trong việc kiểm soát bóng ngay từ tuyến dưới và pressing đối thủ khi cần thiết.
Hoàng Đức, cầu thủ được bố trí đá tiền đạo, luôn có xu hướng giữ bóng trước khi qua người để chờ đồng đội dâng lên phối hợp. Các trung vệ cũng chủ động chuyền bóng, di chuyển để kéo đối thủ áp sát trước khi nỗ lực triển khai thoát pressing để đánh vào các khoảng trống sau lưng. Những tình huống lên bóng nguy hiểm của Hai Long hay Văn Thanh trong hiệp 1 đều tới theo công thức này.
Cuối hiệp 2, thời điểm chúng ta có những cơ hội dứt điểm trong vùng cấm của Nga, cũng tới sau khi Tuấn Hải, Vĩ Hào làm tốt nhiệm vụ gây sức ép cho đối phương ngay trên phần sân nhà.
Vị trí của Văn Lâm là bài toán khó giải quyết. Ảnh: Minh Chiến. |
Điểm yếu cũ mà mới
Nhưng sự tập trung vẫn là điểm yếu cố hữu của tuyển Việt Nam. Từ thời Philippe Troussier, việc để thua những bàn không đáng vì sai lầm cá nhân đã trở thành thói quen khó bỏ. Quá trình chuyển giao giữa lối đá phòng ngự phản công thời Park Hang-seo với tấn công chủ động thời Troussier đã gãy đổ và tạo những hệ lụy lâu dài tới bây giờ: trong cả 3 trận dưới thời ông Kim, tuyển Việt Nam đều thua ít nhất 2 bàn.
Vị trí của Văn Lâm giờ là cơn đau đầu không dễ giải quyết với các đời HLV tuyển Việt Nam. Cựu thủ môn Cerezo Osaka chơi chân không tốt và rất khó để ông Kim Sang-sik xây dựng lối chơi từ tuyến dưới với chốt chặn kiểu này.
Nếu nhìn nhận lại toàn bộ quá trình, Văn Lâm có thể xem là hình ảnh đại diện cho mâu thuẫn cơ bản của bóng đá Việt Nam trong vài năm qua: Chúng ta muốn xây dựng lối chơi chủ động trong khi nhân sự dường như thích hợp với lối đá ngược lại. Văn Lâm dưới thời HLV Park là thủ môn hàng đầu khi làm nản lòng những chân sút xuất sắc của Nhật Bản tại Asian Cup. Sau 5 năm, ở độ tuổi chín của thủ môn, Lâm lại sa sút khi phải nhận nhiều vai trò hơn.
Quang Hải thời Park Hang-seo là siêu sao thay đổi thế trận ở hàng tiền vệ, nhưng giờ đây, người hâm mộ dần không thể định nghĩa tiền vệ sinh năm 1997 sẽ chơi phù hợp trong sơ đồ nào với nhiệm vụ gì. Hải sẽ đá tiền vệ công hay tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-3? Hải có phải cầu thủ làm bóng chính? Nếu không, anh sẽ đảm nhiệm vai trò nào?
Sau 3 trận dưới thời HLV Kim Sang-sik, hình dạng của tuyển Việt Nam đã phần nào hiện ra, nhưng ở những điểm nối quan trọng nhất, chiến lược gia người Hàn Quốc dường như vẫn loay hoay. Nói tuyển Việt Nam chưa sẵn sàng là vì lẽ ấy.