Trong tấm ảnh chụp cùng Văn Hậu ở Hà Lan hồi tháng 12/2019, khi còn thi đấu ở CLB Sint-Truidense VV (Bỉ), Công Phượng quàng khăn theo với một bên lệch hẳn so với bên còn lại. Chi tiết này tưởng như vô nghĩa nhưng đủ phản ánh phần nào sự khác nhau giữa Công Phượng và Văn Hậu.
Sang châu Âu trước Văn Hậu gần 2 tháng, nhưng so với người đàn em, Công Phượng vẫn xa lạ với lục địa già. Hậu ăn vận chỉn chu, cố gắng bắt nhịp, hòa nhập với môi trường mới, còn Phượng lại xuất hiện với chiếc khăn quàng lệch trên cổ, như thể từ lâu đã không còn quá quan tâm tới sự chú ý của người hâm mộ, hoặc anh quá xuề xòa, với một cầu thủ nổi tiếng.
Công Phượng một lần nữa chứng minh điều này khi xuất ngoại sang Nhật Bản dù đang có sự nghiệp ổn định ở Việt Nam. Có lẽ chính Phượng cũng hiểu số phận của chuyến đi này cũng tương tự như lần trước đó, nhưng anh vẫn đi. Để rồi đến ngày chia tay, Phượng không nhận được gì ngoài lời khen như thể châm biếm: “Anh pha cà phê rất ngon” từ Yokohama FC.
Công Phượng không có gì ngoài lời khen: “Anh pha cà phê rất ngon” từ đội bóng Nhật Bản. |
Ảnh hưởng từ quyết định của Công Phượng
Công Phượng mất 3 năm ở Nhật để đổi lấy 3 lần ra sân tại Cúp Quốc gia, 1 trận vào năm 2023 và 2 trận vào năm 2024. Ở đấu trường vô địch quốc gia (J.League 1) mùa 2023 và ngay cả giải hạng hai Nhật Bản (J.League 2) mùa 2024, Công Phượng không được ra sân một phút nào.
Tổng cộng, Công Phượng chỉ chơi bóng vỏn vẹn 85 phút, trong đó có trận ra sân vỏn vẹn 6 giây. Đối với nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, việc không được ra sân thi đấu nhiều là hiểm họa với sự nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên Leandro Trossard thường xuyên than phiền với Mikel Arteta với mong muốn được đá chính nhiều hơn, cho dù cầu thủ người Bỉ đã ra sân tổng cộng tới 2.576 phút cho Arsenal nếu chỉ tính riêng đấu trường Ngoại hạng Anh qua 2 mùa giải 2022/23 và 2023/24.
Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp ở V.League bày tỏ với Tri thức – Znews rằng: không thi đấu và cọ xát trực tiếp ở đỉnh cao chắc chắn khiến kỹ năng chơi bóng mai một. Đó là lý do nhiều cầu thủ lựa chọn chia tay đội bóng mình đang gắn bó để đến 1 CLB ít hấp dẫn hơn, chỉ để được ra sân chơi bóng nhiều hơn, vì được thi đấu tốt hơn là ngồi dự bị.
Tuy nhiên, Công Phượng lại đi ngược số đông. Anh quyết định ở lại Yokohama tới hết hợp đồng, để rồi biến mất khỏi đội tuyển Việt Nam, thay vì trở về quê hương để được ra sân nhiều hơn.
Không ai có thể kiểm chứng phong độ của cầu thủ không được thi đấu. HLV Philippe Troussier hay Kim Sang-sik đều không mạo hiểm triệu tập cầu thủ thi đấu không nổi 10 trận/năm lên tuyển. Phượng có thể không phải cầu thủ thường xuyên ra sân đá chính trên tuyển, nhưng một phương án quấy phá với kỹ thuật tốt cùng khả năng bùng nổ trong đoạn ngắn chưa bao giờ là lựa chọn tồi với bất kỳ chiến lược gia nào.
Công Phượng từng là niềm hy vọng của người hâm mộ Việt Nam khi đội tuyển gặp bế tắc. |
Ở trận bán kết lượt về trước Philippines tại AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình, khi tuyển Việt Nam dẫn 1-0 (tổng tỷ số 3-1) nhờ bàn thắng của Quang Hải, Công Phượng được tung vào sân để giải quyết nốt trận đấu. Tiền đạo này có pha đi bóng đánh bại tất cả hàng phòng ngự đối thủ rồi dứt điểm bằng chân trái để nâng tỷ số lên 2-0.
Từng có một Công Phượng như vậy, là “của để dành” và luôn được gọi tên như một phương án tấn công khác biệt.
Nhưng giờ đây, khi nhắc tới Công Phượng, người hâm mộ chỉ đang đùa cợt về những việc anh làm ngoài sân cỏ. 10 năm trước, cả đất nước phát cuồng với Công Phượng của U19 Việt Nam. Có nằm mơ cũng không thể tin hy vọng số một ngày nào giờ bị gắn với những từ liên quan đến quầy pha chế.
Nước đi khôn ngoan
Không còn danh tiếng, cũng không còn được tin tưởng về phong độ khi 2 năm chỉ đá 85 phút, lời gièm pha lại ngày một nhiều, Công Phượng quyết định trở khoác áo CLB Bình Phước, đội bóng đang thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia.
Nhiều nguồn tin cho biết anh nhận lót tay không dưới 18 tỷ đồng trong 3 mùa. Trong khi đó, lương của Công Phượng ở Yokohama là khoảng 5 tỷ đồng 1 mùa, chưa kể tiền thuế và các khoản sinh hoạt phí tốn kém ở Nhật Bản.
Tại Bình Phước, Công Phượng hiển nhiên trở thành ngôi sao số một. Chưa thi đấu, nhưng Phượng đã mang về hiệu ứng truyền thông chưa từng có cho CLB này.
Theo biểu đồ của Google Trends, từ khóa liên quan đến Bình Phước tăng đột biến vào tối 21/9. Từ khóa như V.League 2 cũng nhận được sự chú ý đông đảo từ nhiều khán giả. Trên một nền tảng mạng xã hội, bài đăng công bố chiêu mộ thành công Công Phượng thu hút tới hơn 2.100 lượt thích và hơn 300 lượt chia sẻ, gấp hơn 4 lần so với tương tác trong những bài đăng khác của Bình Phước.
Công Phượng có nhiều cơ hội để tỏa sáng ở giải hạng Nhất. Ảnh: CLB Bình Phước. |
Tại bến đỗ kém tiếng nhất sự nghiệp này, Công Phượng sẽ được tập trung vào chơi bóng và ra sân thi đấu. Xét về kỹ năng, Phượng vẫn là cầu thủ giỏi và từng khoác áo tuyển quốc gia, đã được chứng minh năng lực qua nhiều giải đấu. Hạng Nhất không có ngoại binh, Phượng càng có cơ hội để một lần nữa trở thành tâm điểm.
Thực tế cũng đã chứng minh, sau mỗi lần trở về từ chuyến xuất ngoại thất bại, Công Phượng luôn có phong độ tốt. Năm 2017, sau khi chia tay Mito Hollyhock, Phượng ghi 7 bàn sau 6 trận cho HAGL. Năm 2018, anh ghi tới 12 bàn cho HAGL và nằm trong đội hình tiêu biểu V.League.
Lịch sử lặp lại vào năm 2020, sau khi Phượng rời Sint-Truidense, anh ghi 6 bàn sau 12 trận cho TP. HCM. Trong 19 trận đấu cho “Chiến hạm đỏ”, Phượng ghi 10 bàn, trở thành cầu thủ hay nhất của CLB và có tên trong đội hình tiêu biểu mùa 2020.
Dù bị chỉ trích hay từng khiến người hâm mộ thất vọng, Phượng vẫn có chỗ đứng và sự tôn trọng nhất định ở Việt Nam. Khán giả vẫn luôn bao dung cho những người nỗ lực làm lại từ đầu và quyết tâm chứng tỏ năng lực.
Công bằng thì so với những gì đang trải qua, Công Phượng đã từng bị vùi dập nhiều hơn thế. Khi chỉ mới ở độ tuổi 20, truyền thông bủa vây anh bằng nghi án gian lận tuổi.
Vài năm sau, tới lượt chuyện đời tư của Phượng bị bới móc. Sóng gió truyền thông hiện tại có khi chỉ là gió thoảng với Phượng.
Có lẽ giống nhiều lần khác, Phượng vẫn sẽ lẳng lặng, không lên tiếng để dùng hành động chứng minh. Chỉ cần tập trung chơi bóng, nhiều điều kỳ diệu vẫn sẽ chờ Công Phượng trong tương lai. Ở đó, có thể Phượng không còn chơi ở giải hạng Nhất nữa, bóng hình chiếc áo đỏ của tuyển Việt Nam cũng chưa hẳn đã xa vời.